Buổi chiều đi dạy


         Xình xịch, xình xịch, xình xịch… chiếc xe buýt 02 từ từ chạy chậm lại, tôi vội vã hòa theo dòng người chen lên xe.Trong chớp nhoáng, xe bỗng nhiên chật ứ người, đấy là còn chưa kể đến mấy anh thanh niên đang chửi thề ngoài cửa vì chạy đến muộn quá nên không được lên. Đúng cái giờ tan tầm này, ai cũng muốn chen trước, tìm cho mình chỗ đứng cho yên thân. Khổ thân cho chiếc xe buýt, tuy cũng không phải dạng bé nhỏ cũ kĩ, nhưng nó cũng phải oằn mình gồng gánh hơn 50 sinh mạng xô ép, dồn đẩy. Với tôi bây giờ, cái cảm giác lạnh giá của mùa đông nơi bến xe, với gió lùa rợn tóc, mưa tấp mặt kính đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó chỉ là sự nóng bức, ngột ngạt. Ôi, mùi điều hòa, mùi xe, mùi mồ hôi người và hàng tá những mùi khác cứ quyện lại, ngai ngái, và dù mình không muốn có nhưng vẫn phải hít hà cái mớ không khí ấy vào người…. Một bến, hai bến, tôi đứng bần thần, vịn vào chiếc tay cầm trên đỉnh đầu, trong khi người thì vẫn lơ lửng đung đưa. À mà đúng hơn thỉnh thoảng mỏi quá, có tựa vào một bạn nữ bên cạnh, bạn ấy cũng thế, ấy thế nhưng cái khó chịu trên xe đã đánh bay đi sự hồi hộp, rung động khác. Ai cần biết cô bạn ấy mặt mũi ra sao, cái tôi cần bây giờ là phải xuống thật nhanh, cho qua những giây phút không-hề-đáng-nhớ này.

      …”Điểm dừng tiếp theo, giầy Thượng Đình”….Tôi nhoài người về đằng sau, miệng thì líu ríu nhờ mấy anh mấy cô cho đi qua nhờ. Xe 02 có đông đến mấy thì vẫn không bao giờ sánh được với những con như 39, 32,  thế nên tôi vẫn còn may khi mò ra được đến cửa sau mà quần áo không bị xộc xệch. Đang nghĩ ngợi lung tung, chợt thấy bên cạnh mình một bà cụ quãng độ 70, dáng người hơi thấp với mái tóc điểm bạc. Bà đặt túi đồ xuống, rồi lại nhấc lên, rồi đặt xuống.

-          -   Bà đưa con giúp cho
-          -   Cảm ơn con, giúp bà xách xuống nhé.

       Tôi khéo léo dịch ra đứng sau, để cho bà xuống trước để không bị xô đẩy. Cái túi màu xanh lam, có vẻ không nặng, hình như bên trong toàn những đồ lặt vặt đại lại như hoa quả, kim chỉ, giấy tờ gì đó. Tôi để ý từng bước khi bà xuống xe, dáng bà không còng, nhưng phải cái đôi chân tập tễnh, nên bước đi có phần nặng nề, lại thêm mấy căn bệnh xương khớp của người già nữa, tôi nghĩ chắc bà đi lại cũng phải mệt mỏi lắm. Sau khi xuống xe và gửi đồ cho bà, định bụng sang đường luôn bắt con 29 cho kịp giờ dạy, nhưng bà với tay lại:
-         
       -   Con ơi, con sang đường đúng không
-           -    Vâng ạ- tôi chạy lại -  để con giúp bà sang.

       Một anh thanh niên nữa thấy ái ngại nên cũng một tay cầm đồ giúp bà. Tôi dắt tay bà qua đường, lò dò từng bước một, một phần vì sợ đi theo thói quen cũ bà không theo kip, một  phần vì sợ nguy hiểm. Bà có hỏi tôi đi tiếp xe nào, và hóa ra tôi lại cũng giống bà, cùng qua Nguyễn Xiển, cùng xe 29. Thế là lại chờ xe, rồi lại giúp bà lên xe. Và mọi sự việc lại diễn ra y như trên chuyến xe 02 vừa qua, có chăng là lượng người có ít đi đôi chút, khiến tôi đỡ ngột ngạt hơn, và bà thì cũng đã có chỗ ngồi ngay gần cửa xuống.

     Tôi đi dạy ở Hoàng Đạo Thành, đối diện sân bóng Nguyễn Xiển. Từ phòng trọ đến chỗ dạy thực ra không xa, tính ra chắc tầm độ 2-3 km. Tuy thế nhưng tôi không khoái đi đến đây lắm, không chỉ vì bắt 2 tuyến xe buýt, mà còn bởi cái bụi bặm của con đường NX. Kinh doanh sắt thép, bảo hộ lao động, sửa xe, hàn hiếc các kiểu, thế nên  cứ cách 10m lại ngửi thấy một mùi khác nhau, tựu chung lại toàn mùi độc hại,  chưa kể đến việc khói bụi dày như sương mù. Chiếc xe 29 bụi bẩn, cũ kĩ hơn bình thường chắc cũng không ngoài lí do chạy qua con đường này. Tôi và bà cụ xuống xe và băng qua đường. Vừa đi bà vừa hỏi:
-          
       -   Con đi về nhà à, nhà con gần đây không?
-           -         Không ạ con đi dạy.
-           -        Dạy ở đâu, nhà u gần đây con ạ, ngay chỗ Kim giang này thôi
-          -        Con dạy Hoàng Đạo Thành
           
             Cách gọi thân mật của bà khiến tôi thấy bùi ngùi, có cảm giác tình thân. Lâu lắm rồi tôi không có cảm giác này. Tôi cũng gọi lại “u”, cái cách tôi vẫn hay gọi mấy bà ở quê, cơ mà chỉ tình quê thân thiết nên mới có cách gọi thế, chứ lên Hà Nội thì con người thấy xa lạ hơn nhiều. Đánh mắt nhìn sang u, rồi ái ngại, tôi hỏi:

-          -       U đi đâu mà tối thế này mới về, u có biết đi xe buýt nguy hiểm lắm không?
-          -        U biết- U cười. U đi chùa.
-          -        Đi chùa cũng không được về muộn thế này, tối rồi u ạ, 6 rưỡi rồi. Mà u còn đi xe buýt…..
      
            U chăm chú nghe tôi, chân vẫn bước đều, miệng vẫn cười, lại lảng sang chuyện khác:
-          
       -    Con dạy nhà ai, dạy môn gì thế?
      
             Thế là một mớ thông tin về nhà em học sinh tôi dạy tuôn ra, về thằng bé, về gia cảnh và về cả bố mẹ em nữa. U biết nhà này, u gật đầu ( Sau này tôi mới biết thằng bé lúc trẻ con hay ném pháo sang nhà u, hay nghịch dai và có lần bị chồng U tóm được). Rồi cứ tự nhiên như thế, u kể về gia đình mình, về đứa con gái cũng học tiếng Anh như tôi, u còn bắt tôi ghi số dt vào mảnh giấy ô li nhỏ, để có gì u liên lạc “ xem con bé có cần người làm hay không”. Ừ thì tôi cũng ghi, nhưng cái đó không phải mối quan tâm chính của mình. Tôi gặng:
-          -      Sao u về muộn thế, con mà có bố mẹ như U thì còn lâu nhé
-          -      Ấy, u phải giấu đấy, u không cho chúng nó biết u đi xe buýt đâu, lỡ ra chúng nó lại trách u. U đi chùa.
      
      Vừa đi vừa hỏi han, chả mấy chốc tôi và u đã về tới nhà U rồi. U mời tôi vào nhà uống nước. Căn nhà bé 20 m2 với mấy đứa trẻ con là cháu U. Căn nhà cũ, được xây theo kiểu những năm 2000, tường vôi trắng không trang trí gì thêm ngoài vài bức tranh treo đã cũ. Thấy mấy đứa trẻ đang ăn cơm, tôi uống tạm ngụm nước rồi xin phép ra về. U tiễn tôi ra cửa, bước đi tập tễnh, tôi thấy thế xua tay một mực đòi u ở trong nhà. U cười, nụ cười hiền hậu, luôn miệng dặn tôi hễ đi dạy là đến nhà u chơi. Tôi không chắc lắm nhưng cũng gật đầu cho u vui lòng. Ra khỏi căn nhà, tôi lững thững bước đi, trong lòng bỗng có chút lưu luyến lạ thường. Ở cái đất phồn hoa đô hội này,nơi tình người có phần bị xem nhẹ, thì việc giúp đỡ được một người như u,  quen biết được u đã làm tôi thực sự xúc động. Cái cảm giác nhớ người thân lại cồn cào trong bụng, cũng lâu rồi tôi không về quê. Mùi vị tết đoàn viên lại xộc lên nơi khóe mắt….


Blogger Comments(0)
Facebook Comments()
Google Comments

Post a Comment

Chào bạn, nếu bạn có bất cứ ý kiến khen, chê, góp ý nào, hãy để lại bình luận. Mỗi nhận xét của bạn đều rất quan trọng, giúp cho bài viết mang tính khách quan hơn. Tôi rất vui nếu bạn viết bằng tiếng Việt có dấu.